Doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: chinhphu.vn)

Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị của tỉnh; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của cả nước; bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua.

Thủ tướng chúc mừng các doanh nghiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên; kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống sáng tạo, bản lĩnh, “đồng cam cộng khổ” cùng đất nước và nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình với các giải pháp thời gian tới được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh thêm một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển: Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động... Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp. Làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu Phú Thọ

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cần tập trung triển khai: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vắc xin theo mục tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh triển khai thủ tục trực tuyến, tránh giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, không gây khó khăn mà tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, kể cả tham nhũng vặt.

Đối với cộng đồng doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay, thích ứng với giai đoạn mới. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, cùng với công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp cận và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất, kinh doanh. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới.

Cùng với đó, cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; cạnh tranh lành mạnh, tăng cường chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước; đi cùng nhau, tất cả cùng chiến thắng.

Phát biểu tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đề nghị: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, tính toán các ảnh hưởng của bối cảnh thế giới và trong nước để xây dựng phương án, kế hoạch phát triển dài hạn; đồng thời chủ động chia sẻ những vướng mắc để các cấp, các ngành trong tỉnh kịp thời nắm bắt, tháo gỡ.

Đồng chí nhấn mạnh: Tỉnh Phú Thọ luôn đồng hành, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Các sở, ngành của tỉnh cần tiếp tục theo sát hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, nghiên cứu giải pháp khắc phục vấn đề giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, không để tình trạng đứt gẫy đầu ra ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện về các thủ tục đầu tư để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thực hiện đầu tư và phát triển hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép lớn, khó khăn của bối cảnh thế giới, Chính phủ chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời triển khai nhiều chính sách, giải pháp kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý... nhờ đó giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giảm đáng kể áp lực chi phí đầu vào; hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Tính đến hết tháng 7, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89.200 tỉ đồng. Trong đó, số tiền thuế gia hạn khoảng 43.000 tỉ đồng; số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 46.200 tỉ đồng. Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hoá, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

7 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp duy trì mức tăng trưởng tích cực về quy mô vốn và số lượng với trên 130.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt trên 3,3 triệu tỉ đồng. Tính đến tháng 7/2022, cả nước có trên 871.200 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%. Thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong một số ngành như vận tải, du lịch, hàng không... phục hồi trên 75% - 85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản, tiếp tục là điểm sáng, đóng góp cho nền kinh tế, tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tại Phú Thọ, Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định quan điểm, mục tiêu cho cả giai đoạn là tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung phát triển doanh nghiệp và thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Qua 2 năm triển khai thực hiện Phú Thọ đã đạt được một số kết quả như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 6,28%, 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng (năm 2021 đạt 80.764 tỷ đồng, tăng 5.486 tỷ đồng so năm 2020 - đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố). GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 54 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực (năm 2021 công nghiệp - xây dựng chiếm 38,98%; dịch vụ chiếm 39,41%; nông lâm nghiệp chiếm 21,62%). Doanh nghiệp phát triển khá (năm 2021 tổng có 800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 250 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại; vốn đăng ký 7.903 tỷ đồng; 6 tháng năm 2022 tổng có 516 doanh nghiệp thành lập mới và 215 doanh nghiệp hoạt động trở lại; vốn đăng ký 7.172 tỷ đồng). Thu hút đầu tư FDI đạt mức cao (năm 2021 thu hút 15 dự án FDI, vốn đăng ký 570 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2022 thu hút 3 dự án, vốn đăng ký 226 triệu USD).

Tại hội nghị, các doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất một số vấn đề: Đẩy mạnh vận tải, phát triển chuỗi cung cứng vận tải, các thương hiệu vận tải, tăng tính kết nối dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng xử lý nợ đọng cơ bản; thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất; giải quyết khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành.

Theo PhuthoPortal

CÁC TIN KHÁC