Hội thảo Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản

(MPI) - Trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và 20 năm triển khai thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, ngày 07/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đã tổ chức Hội thảo Kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: MPI

Hội thảo vinh dự có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam YAMADA Takio; Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản TANAKA Akihiko; Chủ tịch Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản MAEDA Tadashi; các đồng Chủ tịch KEIDANREN.

Cùng dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản và đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hợp tác và đang quan tâm hợp tác với Nhật Bản cũng như các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động, đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Bên cạnh sự tham dự trực tiếp của gần 300 đại biểu, còn có gần 1.000 tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản theo dõi trực tuyến trên các nền tảng xã hội và website kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ Nhật Bản và toàn thể các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đã hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, thiết thực đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua.

Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó tới nay, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu, thực chất. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản EPA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP - 2008); là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau.

Về Hợp tác phát triển (ODA), sau hơn 30 năm, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo ra động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam; trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản.

Về đầu tư, đến nay Nhật Bản có hơn 5 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 03/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, đến nay, Việt Nam đã có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó: Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Điều này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ và liên tục cũng như lòng tin của doanh nghiệp Nhật Bản vào việc đầu tư hiệu quả và thành công tại Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam khi hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, tôi cảm nhận được sự chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Theo Thủ tướng, Nhật Bản là một trong những cường quốc trong ngành công nghiệp, dịch vụ của thế giới và đã đạt được những thành tựu to lớn với nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Sau gần 40 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD (GDP bình quân đầu người tăng 25 lần); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên trên 4.100 USD. Quy mô thương mại thuộc nhóm 30 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) (đầu tư, kinh doanh theo quy luật thị trường, theo quy luật cung-cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết); Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN (mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình một cách tốt nhất); Nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Năm 2022, kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng như kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 2022 đạt trên 8%, cao nhất trong 10 năm qua; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 05 năm qua (với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 440 tỷ USD).

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được duy trì ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Có được những thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có sự hỗ trợ của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang có quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại với Việt Nam. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho nội lực bền bỉ, năng lực thích ứng linh hoạt và tiềm năng bứt phá trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Thủ tướng nhấn mạnh, bước sang thập kỷ thứ năm của quan hệ song phương, trên nền tảng quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, tiềm năng hợp tác của hai nước chúng ta còn rất phong phú, còn nhiều dư địa, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như hơi thở của thời đại mới; thời đại của cách mạng khoa học công nghệ, của liên kết, hội nhập khu vực sâu sắc.

Thủ tướng cho biết, về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Riêng đối với khu vực này, Việt Nam đã xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, đã xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, phát triển thị trường vốn và tín dụng để thu hút các dự án đầu tư sử dụng hiệu quả năng lượng, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, khuyến khích dự án sử dụng và ứng dụng công nghệ sạch, hiện đại, thúc đẩy phát triển nhanh các ngành kinh tế xanh.

Về chuyển đổi số, đây là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, hợp tác công - tư là chìa khóa cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Chính phủ dẫn dắt và doanh nghiệp đồng hành trong nỗ lực chung để xây dựng hạ tầng số, phổ cập kỹ năng số, đảm bảo an toàn mạng và thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành ưu tiên. Đồng thời, chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển.

Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý và các ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Vừa qua, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc). Hiện nay, đã có nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn trên thế giới có hoạt động đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành lập những Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra, đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm để tham mưu giúp Chính phủ những giải pháp thiết thực, đề xuất điều chỉnh pháp luật chính sách cần thiết để hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai bên.

Thủ tướng cũng bày tỏ kỳ vọng các doanh nghiệp FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển. Là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển, hai nền kinh tế Việt - Nhật có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Thời gian tới, phát huy mạnh mẽ truyền thống hợp tác, kết quả toàn diện và lòng chân thành, sự tin cậy lẫn nhau, Thủ tướng tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ tiếp tục được củng cố bền chặt và hiệu quả, thực chất hơn nữa, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Ông Ichikawa Hideo, đồng Chủ tịch KEIDANREN phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ichikawa Hideo, đồng Chủ tịch KEIDANREN cho rằng, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành mối quan hệ hữu hảo, mật thiết; đồng thời đánh giá cao những kết quả đạt được của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội với những thành tựu vững chắc; có nền chính trị ổn định, dân số đông.

Trải qua 20 năm thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã mang lại những thành tựu quan trọng; thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực …Ông Ichikawa Hideo khẳng định, KEIDANREN sẽ tiếp tục tham gia tích cực trong việc thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, nỗ lực hướng tới sự phát triển sâu sắc giữa hai nước trong thời gian tới.

Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dịp để hai bên phân tích kỹ những thời cơ, vận hội cũng như những khó khăn, thử thách mới; chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý để từ đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới. Đây vừa là cơ hội, vừa là công cụ hữu hiệu giúp hai nước đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển bền vững ở mỗi nước, góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết giữa hai nước nhằm thực hiện mục tiêu Việt Nhật đồng hành - Hướng tới tương lai - Vươn tầm thế giới./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

CÁC TIN KHÁC