Kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm: Thêm đà khởi sắc

Sáu tháng đầu năm, Phú Thọ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trước nhiều khó khăn, thách thức song với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Do đó, KT-XH của tỉnh đạt được những kết quả ấn tượng.

Sản xuất gạch men tại Công ty cổ phần CMC (KCN Thụy Vân).

Nhiều điểm sáng

Dịch bệnh COVID-19, tác động của thị trường trong và ngoài nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân. Song, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết liệt và có nhiều đổi mới, vì vậy kết quả thực hiện các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đồng chí Nguyễn Hiền Minh- Cục trưởng Cục thống kê tỉnh, sáu tháng đầu năm KT-XH của tỉnh có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,8% của tỉnh đứng thứ 6/14 tỉnh vùng Trung du Miền núi phía Bắc, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây cũng là tốc độ tăng cao nhất từ năm 2016 đến nay trong sáu tháng đầu năm.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới tác động đến các hoạt động đầu tư, thương mại, tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu (sắt thép, xăng dầu,…), làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, tăng chi phí logistic; cùng với tác động biến đổi khí hậu, tuy nhiên, các chính sách kích cầu phục hồi kinh tế của tỉnh được đẩy mạnh và phát huy tác dụng. Thu ngân sách đạt gần 4.600 tỉ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 11,7 tỉ USD, tăng 82% so với cùng kỳ… là những con số ấn tượng cho thấy rõ sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế trong thời gian qua.

Một điểm nhấn quan trọng là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,28% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất 20,2% trong tỉ trọng GRDP của tỉnh) tranh thủ đà phục hồi của thị trường, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào hoạt động một số dự án mới, nâng cao năng lực sản xuất, đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP tới 13,73% (cùng kỳ tăng 9,4%).

Tỉnh đã cụ thể hóa năm mục tiêu, tám nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết 61-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đến nay, công tác thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến. Vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 16.400 tỉ đồng, đạt 43,2% kế hoạch năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 9.629 tỉ đồng, chiếm 58,7% tổng vốn, tăng 5,4%; vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 3.746 tỉ đồng, chiếm 22,8% tổng vốn, tăng 19,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3.036 tỉ đồng, chiếm 18,5% tổng vốn, tăng 6,8%;...

Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ. Đặc biệt, từ quý II/2022, ngành dịch vụ có bước phục hồi mạnh mẽ, nhiều hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch đã mở cửa trở lại và tăng khá so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 20.725 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch sôi động trở lại, số lượng khách du lịch tham gia hoạt động Lễ hội Đền Hùng và các hoạt động SEA Games 31 tăng cao (lượng khách lưu trú ước tăng 46%, đạt 358.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 1.600 tỉ đồng, tăng 76% so cùng kỳ).

Bên cạnh việc triển khai tích cực, có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng không ngừng nâng lên, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới; khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm ở Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam

Tạo đà tăng tốc

Những kết quả trên đã phản ánh nỗ lực trong công tác định hướng, chỉ đạo, điều hành, giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; công tác triển khai, cụ thể hóa bằng các biện pháp quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, tạo nền tảng quan trọng để tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh, bền vững.

Để đảm bảo hoàn thành đạt và vượt mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, cùng với tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 24/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, trong thời gian tới, thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch các ngành, lĩnh vực, các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hoạt động xúc tiến đầu tư, triển khai dự án theo phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời”; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm (hạ tầng về giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng đô thị…); “làm đúng, làm nhanh, làm tốt” trong công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng chí Phan Trọng Tấn- TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới nhằm phát triển các ngành dịch vụ; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng, giá cả các mặt hàng thiết yếu; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong hoạt động vận tải, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu; tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; yêu cầu các chủ đầu tư lập kế hoạch tiến độ, cam kết chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân cho từng dự án, đảm bảo giải ngân 100% vốn kế hoạch trước 31/01/2023… góp phần đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022. Đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích xã hội hóa, ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Chỉ đạo nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các tình huống, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo Bao Phú Thọ

CÁC TIN KHÁC