Kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022 diễn ra ngày 06/9/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022. Ảnh: chinhphu.vn

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022; thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, bên cạnh các yếu tố đã xuất hiện từ đầu năm, xuất hiện những yếu tố mới như hạn hán kéo dài trên diện rộng tại Trung Quốc, EU; chính sách tiền tệ nới lỏng tại Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị gia tăng tại một số khu vực…

Trong nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về đầu tư công, doanh nghiệp, lao động, bất động sản… kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục giải quyết những vấn đề yếu kém tồn đọng kéo dài; ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới ngay trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, kịp thời thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần thầy cô và học sinh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như: Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu, kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành để tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.

Bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, duy trì mặt bằng lãi suất, tỉ giá hợp lý để kiềm chế lạm phát; thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ. Xuất nhập khẩu tháng 8 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; nền kinh tế tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD, tính chung 8 tháng xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi tốt, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng, phản ánh nền kinh tế đang phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng đạt gần 150 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế nước ta.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các dự án trọng điểm, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng, chiến lược. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm. Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vắc-xin, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 được chú trọng. Quốc phòng an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; làm tốt công tác bảo hộ công dân, kịp thời điều tra, xử lý các vụ, việc đưa công dân sang nước ngoài trái phép. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ, việc lớn, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.

Về một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước. Những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi tình hình hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn.

Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, có nguy cơ "dịch chồng dịch"... Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Nhìn chung, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn, do biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước; nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân.

Tiếp tục chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao về chương trình phục hồi và phát triển

Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp tục chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đến ngày 02/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng; Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…

Về tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong 8 tháng đầu năm, Chính phủ, Trung ương đã ban hành 84 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, riêng tháng 8 năm 2022 ban hành 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã ban hành theo thẩm quyền 8 văn bản. 44/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thòi gian tới, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); quán triệt phương châm điều hành những tháng cuối năm “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “01 kiên quyết không” đã được Chính phủ thảo luận trong các phiên họp tháng 6-7/2022; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 05 năm đề ra.

Theo đó, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19; theo dõi chặt chẽ các loại bệnh truyền nhiễm mới phát sinh, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xẩy ra; Theo dõi chặt chẽ, chủ động các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh; Điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; Triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Chương trình./.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

CÁC TIN KHÁC