Triển khai nhiều hoạt động thiết thực, để tỏ lòng biết ơn đối với những người có công

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Chiều 23/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật các đại biểu người có công tiêu biểu trong toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022).

75 đại biểu trong buổi gặp mặt là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, thân nhân liệt sĩ,… là những tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, là tấm gương điển hình trong công tác, học tập, vươn lên trong cuộc sống,…

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu tại buổi gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành kính tưởng nhớ đến các bậc Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; trân trọng gửi tới các đại biểu, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Tổng Bí thư nêu rõ, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.

Theo Tổng Bí thư, đến nay, có hơn 9,2 triệu người có công, bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ,... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ...

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước cũng đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động và huy động nhiều lực lượng tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động rất cụ thể, thiết thực, như: Xây “Nhà tình nghĩa”, lập “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng,...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quà tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Tổng Bí thư hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và cảm ơn tấm lòng tri ân của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nói chung, của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói riêng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình nghĩa thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của thế hệ sau đối với công lao của các thế hệ đi trước.

Tổng Bí thư bày tỏ, xúc động và rất vui mừng được gặp mặt các đại biểu tiêu biểu, được biết, sức khỏe, đời sống của các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh ngày càng được các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân quan tâm chăm sóc chu đáo, và bản thân các đồng chí cũng có nhiều đóng góp tích cực trong cộng đồng, cho sự nghiệp đổi mới đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt trong bối cảnh hơn 2 năm qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, chúng ta đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để phòng, chống dịch bệnh, dần ổn định tình hình, phát triển kinh tế-xã hội...

Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy Đảng, cơ quan chính quyền, các ngành, đoàn thể cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với nước, với cách mạng. Đồng chí mong muốn và đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cũng như mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đó là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Các đồng chí thương binh, bệnh binh với tinh thần “tàn nhưng không phế”, cùng thân nhân, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Tất cả mọi người hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm “Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân”.

Tại buổi gặp, một số đại biểu tiêu biểu đã báo cáo Tổng Bí thư quá trình cống hiến cho cách mạng, nhất là sự hy sinh xương máu của mình trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Báo cáo với Tổng Bí thư, đồng chí Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay toàn quốc đã xác định hơn 9,2 triệu người có công, trong đó 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 139 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 185 nghìn bệnh binh, 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 111 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy, 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng…

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư ngày 19/7/2017 và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, toàn quốc đã rà soát, xem xét hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng trình Chính phủ công nhận cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.400 liệt sĩ; công nhận 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Trong các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hòa bình gần 50 năm, nhiều trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm, cá biệt có trường hợp cách đây 90 năm…

Thông qua chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%. Đã hoàn thành hỗ trợ hơn 500 nghìn căn nhà với người có công còn khó khăn về nhà ở, số kinh phí cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng, 3.736 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị, địa phương phụng dưỡng...

Nguồn nhandan.vn

CÁC TIN KHÁC