Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài

baophutho.vnNgày 22/4, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và 180 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ.

Tham dự, tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, Hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tỉnh, các doanh nghiệp FDI...

" Đến ngày 20/4, cả nước có trên 37.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 446 tỉ USD. Đối với tỉnh Phú Thọ, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến hết 31/12/2022, số dự án FDI còn hiệu lực là 191 dự án, vốn đăng ký đầu tư gần 2.900 triệu USD. Năm 2022, số nộp ngân sách của các dự án FDI đạt 22,7 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 91.000 lao động với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng…" 

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đã cùng trao đổi, đánh giá những thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam; thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; trao đổi, làm rõ hơn về những vấn đề mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quan tâm…Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu tại hội nghị để chủ động giải pháp xử lý theo chức năng, quyền hạn của mình; chủ động nắm bắt, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư. Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền, bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Đẩy mạnh hợp tác công tư trên các lĩnh vực để huy động các nguồn lực; động viên hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới như mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nguồn cung lao động có tay nghề; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; đa phương hóa, đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư; điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể…Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và các doanh nghiệp thành viên để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động; tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn. Về phía các doanh nghiệp, cần thực hiện đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau tận dụng các cơ hội và lợi thế.Phát biểu tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đã lắng nghe, trao đổi, giải đáp một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào các vấn đề về tuyển dụng lao động, nhất là lao động có trình độ cao; vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới, các Sở, ngành liên quan tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nguồn: Báo Phú Thọ

CÁC TIN KHÁC