Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn

Ngày 8/8/2022, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ ba của Ủy ban để đánh giá về tình hình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Ảnh: chinhphu.vn

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân đã quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua, đưa công tác chuyển đổi số tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số…

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Đồng chí nhấn mạnh: Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Càng khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, tránh mọi tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây. “Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít (mới gần 18%), hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp” - đồng chí nhấn mạnh.

Đồng chí yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.

Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các địa phương lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số.

Cùng với đó, rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho việc phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; không để chảy máu chất xám hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Khẩn trương ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết, chỉ thị, văn bản về chuyển đổi số theo đúng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp việc triển khai các nhiệm vụ, thường xuyên đôn đốc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đo lường việc thực hiện các nhiệm vụ có định tính, định lượng, trong đó nhiệm vụ định lượng phải cân đong đo đếm được, phải luôn cập nhật kịp thời tiến độ, kết quả thực hiện trên nền tảng số…

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tương đối rõ ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số.

Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng CNTT, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Hạ tầng CNTT, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội…

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ).

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41% (tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%). Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như: Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục tiêu đề ra là 7%; tỉ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%.

Hội nghị kết nối trực tuyến từ trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tại tỉnh Phú Thọ, 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản để tổ chức, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ như: Quyết định số 619/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 về việc Thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ; Quyết định số 1344/QĐ-UBND ngày 19/5/2022 về Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ; Kế hoạch số 1906/UBND-KGVX ngày 27/5/2022 về Nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 2050/KH-UBND ngày 3/6/2022 về Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2022…

Hệ thống một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh; tích hợp kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh. Tính đến tháng 8/2022, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến là 194.360 hồ sơ, đạt 55,32% (chỉ tiêu năm 2022 đề ra là 50%). 100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ (chỉ tiêu năm 2022 đề ra là 80%).  

Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Hệ thống thực hiện 187 cuộc họp trực tuyến với 3.053 điểm cầu, trên 32.900 đại biểu tham dự.

Các hệ thống nền tảng triển khai chuyển đổi số: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; hệ thống mạng diện rộng; hệ thống thông tin báo cáo; Trung tâm Điều hành thông minh; Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng được duy trì đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu kịp thời, hiệu quả.

100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 6.100 tổ chức, doanh nghiệp, trên 1.100 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử. Tổng giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông đạt 5,2 tỷ USD.

Theo PhuthoPortal 

CÁC TIN KHÁC