Quy hoạch tỉnh Phú Thọ - Tầm nhìn và tư duy chiến lược

baophutho.vn-Phú Thọ có diện tích tự nhiên 3.534,6km2, quy mô dân số năm 2023 khoảng 1,53 triệu người với 13 đơn vị hành chính cấp huyện, thành, thị. Ngày 05/12/2023, Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg.

 

Một góc quy hoạch thành phố Việt Trì đến năm 2040.

Quy hoạch được xây dựng công phu, đảm bảo các quy định

Thực hiện Quyết định số 490 ngày 9/4/2020, của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được xây dựng đảm bảo theo Luật Quy hoạch, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực cả nước.

Kế thừa những giá trị cốt lõi của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 tại Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong quá trình thực hiện, tỉnh tổ chức hai hội thảo cấp Trung ương, 48 hội nghị, hội thảo cấp tỉnh; lấy ý kiến 19 bộ, ngành, 15 tỉnh, thành phố với 423 ý kiến... Quy hoạch tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh thông qua, trình Hội đồng thẩm định Quốc gia theo quy định, thể hiện rõ tầm nhìn và tư duy chiến lược.

Để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, trong Quy hoạch đã tính đến sự hợp lý, đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch; việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch; yêu cầu về nội dung quy hoạch và quy định về quy hoạch tỉnh.

Cùng với đó, xem xét việc lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá; định hướng phát triển và tổ chức không gian trong từng ngành; vấn đề bổ sung thêm năm khu công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp; về dịch vụ; định vị thương hiệu và khai thác hiệu quả du lịch tâm linh gắn với đặc thù riêng của tỉnh; chú trọng phát triển kinh tế đô thị và phát triển đô thị xanh, nông thôn sinh thái, gắn với du lịch; vấn đề về lao động, nguồn nhân lực; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của Phú Thọ.

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ đã được tổ chức triển khai lập theo đúng quy trình của Luật Quy hoạch; có sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu lập quy hoạch tỉnh; có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan và UBND cấp huyện. Trong đó, về quan điểm phát triển tỉnh có đủ các nội dung theo quy định là “Xây dựng quan điểm về phát triển tỉnh, tổ chức, sắp xếp không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch”. Nghiên cứu xác định rõ hơn quan điểm, mục tiêu tổng quát và tầm nhìn tương xứng với tiềm năng, lợi thế; vị thế, vai trò hướng tới giải quyết các điểm nghẽn phát triển; xem xét, bổ sung quan điểm về tăng trưởng xanh, chuyển đổi sử dụng cộng nghệ theo hướng thân thiện với khí hậu và tiết kiệm năng lượng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26.

Phối cảnh công trình văn hóa tại thành phố Việt Trì.

Phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch

Tỉnh Phú Thọ xác định rõ năm quan điểm phát triển chủ yếu:

Một là, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Đất Tổ, cội nguồn dân tộc; phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực của cả nước; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Hai là, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh; lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển bền vững.

Ba là, thực hiện cơ cấu lại các ngành sản xuất, chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ, du lịch trọng điểm. Bốn là, phát huy tối đa nhân tố con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số để tăng năng suất lao động. Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ, từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, sẽ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng Trung du miền núi phía Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng. Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ xác định các nhiệm vụ và đột phá chiến lược, bao gồm: Một trung tâm - Hai hành lang kinh tế - Ba đột phá phát triển - Bốn nhiệm vụ trọng tâm...

Đồng chí Phạm Quang Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh, tỉnh đã bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như các văn bản liên quan đã được ban hành, phù hợp với các quan điểm, mục tiêu của Quốc gia và vùng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, kế thừa những thành tựu trong phát triển triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2020. Quy hoạch tỉnh Phú Thọ đã làm rõ được điểm mạnh, điểm yếu, vai trò, vị trí của tỉnh đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc; tổ chức, phân bố không gian và cơ cấu lại các ngành kinh tế, huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển, phát huy tốt khả năng, cơ hội liên kết của tỉnh với vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là liên kết phát triển kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch...

Nguồn: Báo Phú Thọ

CÁC TIN KHÁC