Tạo đà tăng trưởng kinh tế

baophutho.vnQuý I vừa qua, kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh. Song với sự chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, bức tranh kinh tế của tỉnh vẫn có nhiều “gam màu sáng”, tạo động lực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm.

May quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH YIDA Việt Nam, Cụm công nghiệp thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê.

Tín hiệu tích cực

Bám sát tình hình thực tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH thành các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, kịp thời động viên, cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết các vấn đề liên quan đến các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các nhiệm vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ước đạt 6,56% (cùng kỳ 7,02%), đứng thứ 17/63 tỉnh, thành, 3/14 tỉnh trong Vùng - sau Bắc Giang 14,18%, Tuyên Quang 8,60%. Trong đó, tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,37%, công nghiệp và xây dựng tăng 9,37% (riêng công nghiệp 9,09%), dịch vụ tăng 4,58%.

Thực hiện khâu đột phá của tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tỉnh đã tổ chức công bố công khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; rà soát kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Ninh; chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Đoan Hùng, Lâm Thao... làm căn cứ thực hiện các chương trình, đề án, dự án trong thời gian tới.

Tỉnh cũng đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư phát triển; tổng vốn đầu tư xã hội quý I ước đạt 9.600 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Thu hút mới, bổ sung vốn 7 dự án trong nước, vốn đăng ký 389,9 tỷ đồng; 7 dự án vốn FDI, vốn đăng ký trên 35,3 triệu USD. Triển khai đồng bộ, kịp thời kế hoạch đầu tư công năm 2024, nhất là đối với 13/20 dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2021-2025. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 3 đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 29,7% kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, năng suất, sản lượng một số cây trồng đạt khá; lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định. Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai tích cực.

Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng khá, có thêm một số dự án mới, mở rộng đi vào sản xuất; chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 26,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 13.800 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ. Hoạt động du lịch có khởi sắc, doanh thu ước đạt 800 tỷ đồng, tăng 14%, đón hơn 206.000 lượt khách, tăng 28% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, ước đạt 5,98 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, tăng 28,4% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.300 tỷ đồng, đạt 33,4% dự toán, tăng 11% so cùng kỳ.Sản phẩm thịt chua truyền thống của HTX Thịt chua Thanh Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao được người tiêu dùng ưa chuộng.

Lạc quan nhưng không chủ quan

Tuy có sự tăng trưởng tích cực nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn; dư nợ tín dụng giảm 2,1% (2.183 tỷ đồng) so cuối năm 2023 cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn thấp. Nhiều doanh nghiệp, ngành hàng chủ lực sản xuất giảm, lượng hàng tồn kho lớn (51,5% doanh nghiệp sản xuất giảm sản lượng so quý trước, 11/18 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so cùng kỳ). Khu vực dịch vụ tăng trưởng chậm do thị trường tín dụng, thị trường bất động sản tiếp tục còn khó khăn...

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, quý I năm nay dù tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu khởi sắc nhưng thời gian tới kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, thách thức do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt khiến ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của cả nước, trong đó có tỉnh Phú Thọ. Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2024, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về tình hình KT-XH quý I/2024, đồng chí Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giúp các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất. Đồng thời quan tâm chỉ đạo, sớm cụ thể hóa Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi)... để tạo hành lang pháp lý đồng bộ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai. Các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...

Thời gian tới, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; chủ động tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm khởi công, thực hiện các dự án. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân nguồn vốn, đặc biệt là các dự án trọng điểm và 3 chương trình mục tiêu Quốc gia. Điều hành tài chính, ngân sách linh hoạt, quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ quan trọng, các dự án trọng điểm; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thu và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; chú trọng triển khai, cụ thể hóa các nội dung thuộc trách nhiệm địa phương quy định tại Luật Đất đai 2024; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án, dự án về đất đai, môi trường, xử lý rác thải. Quản lý và triển khai có hiệu quả các chương trình khoa học công nghệ, quan tâm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đầu tư đổi mới công nghệ vào các khâu nhằm tăng chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nguồn: Báo Phú Thọ.

CÁC TIN KHÁC