Thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

baophutho.vn - Tập trung phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, những năm qua, tỉnh Phú Thọ ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao về đầu tư sản xuất... nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Kiểm tra, phân loại sản phẩm kính quang học dùng trong điện thoại di động tại Công ty TNHH JNTC Vina.

Công nghệ cao, hiệu quả lớn

Công ty TNHH JNTC VINA là doanh nghiệp FDI sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như: Kính cường lực điện thoại di động, kính cường lực ô tô, kính cường lực camera điện thoại, kính siêu mỏng, kính đồng hồ và các đầu nối USB, đầu nối thẻ SIM, cổng tai nghe, đầu nối pin... Đến nay, Công ty đã đầu tư xây dựng, đưa ba nhà máy đi vào hoạt động, tạo việc làm cho trên 2.500 lao động với thu nhập trung bình 9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Kim Myung Hwan - Chủ tịch Công ty TNHH JNTC VINA cho biết: “Phú Thọ là nơi chúng tôi lựa chọn để đầu tư phát triển với nhiều lý do: Xét từ góc độ địa lý, Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân nằm tại thành phố Việt Trì rất thuận lợi về giao thông, nối với đường cao tốc, cách Hà Nội 80km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 70km và cảng Hải Phòng hơn 200km. Đây là điều kiện tốt cho các chuyến công tác thăm và làm việc của tập đoàn, các khách hàng muốn tìm cơ hội hợp tác cũng như việc vận chuyển hàng hoá qua đường thủy, đường bộ và đường hàng không. Khi đầu tư vào đây, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh Phú Thọ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy. Cùng với đó, nguồn lao động địa phương dồi dào và chăm chỉ, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp... Chúng tôi quyết định năm 2024 tới, sẽ xây dựng thêm một nhà máy (nhà máy số 4) với diện tích 8,3ha tại KCN Thụy Vân để phục vụ nhu cầu thị trường thế giới, tuy nhiên hiện nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Tôi mong muốn tỉnh Phú Thọ cùng các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để có thể bàn giao toàn bộ diện tích đất cho chúng tôi thực hiện dự án theo kế hoạch”.

Cùng với Công ty TNHH JNTC VINA, toàn tỉnh hiện có trên 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 122.000 lao động. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo luôn đạt mức cao, chiếm tỷ trọng lớn trong những năm gần đây. Năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt mức tăng trưởng 11,25%.

Riêng 10 tháng của năm 2023, ngành công nghiệp này đạt mức tăng trưởng 16,8%. Trong đó, tăng mạnh ở các ngành như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 26,87%); sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 7,2%); sản xuất thiết bị điện (tăng 6,44%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (tăng 7,27%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 13,17%)...

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã mở rộng ra 8 nhóm ngành, gồm: Cơ khí; điện tử; sản xuất kim loại; hóa chất, cao su, nhựa; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến thực phẩm và đồ uống; dệt may, da giày; chế biến lâm sản và chế biến chế tạo khác. Sản phẩm của ngành không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với tiềm năng, thế mạnh địa phương.

Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều dự án sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo lớn đã đi vào hoạt động tạo tăng trưởng mạnh mẽ cho sản xuất công nghiệp của tỉnh như: Nhà máy sản xuất gạch ốp lát Tasa; Nhà máy gạch số 2, Nhà máy sản xuất gạch grannit thấm muối tan, giai đoạn III thuộc Công ty cổ phần CMC; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Namuga Phú Thọ; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử JNTC Vina; Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu Yida Việt Nam; Nhà máy sản xuất dệt may Thygesen Việt Nam; Nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại của Công ty Almus Vina; Nhà máy sản xuất và gia công module bộ nhớ cho máy chủ và máy tính cá nhân của Tập đoàn Hanyang DGT PTE. LTD;...

Nhà máy điện tử BYD Việt Nam tại Phú Thọ từng bước đi vào hoạt động, thu hút 7.000 lao động.

Ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến

Ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn các KCN của Phú Thọ để đầu tư dự án sản xuất. Cùng với đó, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh cũng ngày một thích ứng, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường và đã đạt được những thành tựu khả quan trong các ngành nghề có nhiều lợi thế như: Dệt may, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng...

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động thiết thực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phú Thọ đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược đến từ nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc); đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, làm việc với các tập đoàn lớn như Sojitz, BYD, Wingtech, Foxconn, Blackstone minerals Australia...

Tỉnh đã lựa chọn được các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp, công nghệ cao trong lĩnh vực chế biến chế tạo như: Công ty Hanyang Digitech Vina; Công ty TNHH công nghệ Namuga, Công ty TNHH Innochip Vina, Công ty TNHH JNTC Vina... là các doanh nghiệp đầu tư sản xuất ngành nghề có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Đồng thời tiếp tục xây dựng chính sách thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Đồng chí Trịnh Thế Truyền- Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: “Tỉnh sẽ ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, hiệu quả sử dụng đất cao... Cụ thể hóa định hướng đúng đắn này, tỉnh tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Đồng thời chú trọng công tác thẩm định các dự án đăng ký đầu tư để lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh. Xây dựng quy hoạch, các nhóm chính sách hỗ trợ mang tính vượt trội cho các nhà đầu tư. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và nhất quán công tác hỗ trợ sau đầu tư với nhiều giải pháp thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thực hiện thành công các dự án trên địa bàn tỉnh”.

Nguồn: Báo Phú Thọ.

CÁC TIN KHÁC